Rùa Sulcata ăn các loại Cỏ như: Cỏ Timothy, cỏ Orchard, dương xỉ Boston, cỏ mèo, cỏ dại, cỏ voi, cỏ ba lá, cỏ bồ công anh, lá dâu tằm, lá mã đề, lá chùm ngây,…Rau xanh: Rau diếp, củ cải xanh, cải xoăn, rau lang, bí đỏ, cà rốt. Tỉ lệ tốt nhất là 80% cỏ và 20% rau xanh.
Rùa Sulcata còn được gọi là rùa Châu Phi, chúng có kích thước lớn và sống rất lâu. Được nhiều người yêu bò sát trên toàn thế giới nuôi dưỡng như thú cưng trong nhà. Ở Việt Nam, phong trào nuôi rùa Sulcata làm cảnh phát triển rất mạnh những năm gần đây. Để cho loài rùa lớn thứ 3 trên thế giới này phát triển một cách bình thường và khoẻ mạnh nhất, người nuôi cần nắm vững một số kiến thức nhất định. Hôm nay, Mew.vn sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu xem rùa Sulcata ăn gì? Và cách nuôi rùa Sulcata chính xác nhất nhé!
Xem thêm:
1. Thông tin chung về rùa Sulcata
1.1. Kích thước rùa Sulcata
Rùa Sulcata là loài rùa cạn có kích thước lớn. Đứng thứ 3 trên thế giới sau rùa Galapagos và rùa khổng lồ Aldabra. Chúng có thể đạt chiều dài tới 83cm và nặng tới 105kg.
1.2. Tuổi thọ rùa Sulcata
Ngoài kích thước lớn thì tuổi thọ của rùa Sulcata cũng rất đáng nể. Một chú rùa trong tình trạng được chăm sóc tốt có thể sống tới hơn 70 năm tuổi.
1.3. Ngoại hình rùa Sulcata
Phần mai của rùa Sulcata có màu trắng ngà hoặc vàng nâu. Trên mai có nhiều rãnh chia thành nhiều vảy lớn đều nhau. Phần yếm có màu vàng sáng. Mai và yếm được nối với nhau bằng hệ thống khung xương chặt chẽ bảo vệ toàn bộ cơ thể của rùa Sulcata.
Hai chi trước của rùa Sulcata to khoẻ, có nhiều gai lớn để phục vụ cho việc đào hang tránh nóng. Vì thế rùa Sulcata còn có tên gọi khác là rùa Gai.
1.4. Phân bố của rùa Sulcata
Rùa Sulcata sống trong môi trường nóng và khô cằn, khu vực từ rìa sa mạc đến thảo nguyên khô. Phân bố dọc theo rìa phía nam của sa mạc Sahara, từ Sénégal và Mauritania qua Mali, Nigeria, Chad, Sudan, Ethiopia, dọc theo Biển Đỏ ở Eritrea.
Rùa Sulcata thích nghi để phát triển trong thời tiết cực nóng. Chúng đào hang trên mặt đất và trú ẩn ở đó trong thời gian nóng nhất của ngày. Các hang tương đối mát mẻ và ẩm ướt và giúp rùa không bị khô.
2. Rùa Sulcata ăn gì? Thức ăn tốt nhất cho rùa Sulcata
2.1. Cho Rùa Sulcata ăn gì?
Ngoài cỏ, thì việc cung cấp đầy đủ canxi trong khẩu phần ăn của rùa Sulcata rất quan trọng, giúp chúng phát triển khung xương và mai một cách tốt nhất. Trong tự nhiên, rùa sẽ bổ sung canxi cho cơ thể bằng cách ăn những thực vật giàu canxi hoặc vỏ sò, ốc ở sa mạc. Còn trong quá trình nuôi nhốt hiện nay, có rất nhiều thực phẩm công nghiệp giúp bổ sung canxi và vitamin cho rùa. Các bạn hãy sử dụng kèm với thức ăn hằng ngày.
2.2. Những thức ăn tốt nhất cho rùa Sulcata
Rùa Sulcata tương đối háu ăn. Trong năm đầu tiên, bạn nên cho rùa ăn hằng ngày. Sau đó nên giảm lại khoảng 3 đến 4 lần trong 1 tuần. Vì cơ bản trong tự nhiên thức ăn của rùa tương đối hiếm. Việc cho rùa ăn quá nhiều sẽ dẫn đến những vấn đề không tốt cho sức khoẻ. Một số loại thức ăn tốt cho sức khoẻ của rùa Sulcata có thể kể đến như sau:
- Các loại cỏ: Dương xỉ Boston, cỏ mèo, cỏ dại, cỏ voi, ngô / bắp (chỉ dùng lá), kê (chỉ dùng lá), yến mạch (chỉ dùng lá), cỏ Pampas, cỏ Timothy, cỏ lúa mì (chỉ dùng thân và lá).
- Các loại rau: Rau diếp, củ cải xanh, cải xoăn, rau lang, bí đỏ, cà rốt, củ cải đỏ.
- Các loại trái cây (cho ăn ít và có kiểm soát): Chuối, táo, mơ, dâu tây, việt quất, nho, lê, dứa, dâu rừng, mận, đào, dưa.
- Các loại hoa, lá: Hoa hồng, hoa atiso, hoa dâm bụt, xương rồng tai thỏ, lá dâu, lá mã đề, hoa tiểu cúc, hoa cúc vàng, hoa violet.
- Thức ăn công nghiệp: Thức ăn khô cho rùa cạn Mazuri, thức ăn khô cho rùa cạn Repcal.
- Thực phẩm bổ sung: Canxi + Vitamin D3 cho bò sát Exoterra.
2.3. Những loại thức ăn không tốt cho rùa Sulcata
Bên cạnh những loại thức ăn an toàn dành cho rùa Sulcata thì có những loại thức ăn bạn không nên cho rùa ăn hoặc chỉ nên cho ăn với số lượng ít và có kiểm soát. Có thể kể đến như:
- Rau và trái cây: Rau muống, Cà tím, trái bơ, giá đỗ, ớt, trái bắp, trái chanh, đậu hà lan, trái lựu, khoai tây, cà chua.
- Các loại hoa: Hoa mào gà, hoa hồng môn, hoa lan ý.
2.4. Thực đơn mẫu cho rùa Sulcata
Khi bạn nuôi rùa Sulcata như thú cưng trong nhà, thì chắc chắn một điều rằng bạn không thể nào cung cấp cho chúng một thực đơn giống như trong tự nhiên được. Nhưng hiện nay, khi việc nuôi rùa Sulcata trở nên phổ biến, thì những thương hiệu chăm sóc thú cưng lớn trên thế giới cũng đã sản xuất ra thị trường những dòng thức ăn chuyên dụng, giúp rùa phát triển một cách tốt nhất. Công việc của người nuôi chỉ là kết hợp với một số loại thức ăn tự nhiên sao cho hợp lý nhất.
Sau đây là một số thực đơn mẫu mà các bạn có thể áp dụng cho rùa Sulcata của mình.
- Thực đơn cho rùa Sulcata số 1: 80% là thức ăn khô Mazuri hạt nhỏ (cho rùa con) hoặc Mazuri hạt to (cho rùa lớn), 20% gồm lá mã đề, rau ngót, nho.
- Thực đơn cho rùa Sulcata số 2: 80% là thức ăn khô Repcal dành cho rùa cạn, 20% gồm lá dâu, bí đỏ, rau đay, táo.
- Thực đơn cho rùa Sulcata số 3: 80% là thức ăn khô VIF dành cho rùa cạn, 20% gồm hoa dâm bụt, rau lang, đậu que, dâu tây.
Trong 1 tuần nên bổ sung 1 lần canxi dạng bột hoặc nang mực vào thực đơn của rùa Sulcata.
2.5. Những lưu ý khi cho rùa Sulcata ăn
Trong quá trình cho rùa Sulcata ăn, người nuôi cần lưu ý một số điểm sau:
- Rửa sạch rau trước khi cho rùa ăn, tránh trường hợp ngộ độc thuốc sâu.
- Không cho rùa ăn quá nhiều thức ăn, chỉ để vừa đủ cho một bữa.
- Rùa con nên cho ăn mỗi ngày, sau 1 năm nên giảm lại còn khoảng 3 – 4 bữa ăn trong 1 tuần.
- Ưu tiên những loại thực vật có nhiều chất xơ như: các loại cỏ dại, rau đay, mã đề, bồ ngót, dâm bụt, rau lang.
- Bổ sung canxi vào thức ăn 1 tuần 1 lần.
- Cho rùa ngâm mình trong nước ấm mỗi ngày để kích thích rùa đi vệ sinh, thải urat và cung cấp độ ẩm cho da.
- Thường xuyên thay đổi thành phần trong thực đơn của rùa Sulcata.
3. Nước uống cho rùa Sulcata [Quan Trọng]
Một điều rất quan trọng trong quá trình nuôi rùa Sulcata đó chính là nước. Người nuôi cần phải cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho rùa Sulcata, nhất là đối với rùa con.
3.1. Tác dụng của nước đối với rùa Sulcata
- Kích thích rùa đi vệ sinh. Trong quá trình đi vệ sinh rùa sẽ thải Urat, rất tốt để tránh những bệnh như sỏi bàng quang.
- Cung cấp độ ẩm cho da rùa, giúp rùa dễ dàng lột da hơn.
- Cung cấp nước cần thiết cho cơ thể rùa.
3.2. Cách bố trí nước trong chuồng nuôi rùa Sulcata
- Nếu bạn nuôi rùa ở ngoài trời, thì nên bố trí một khay nước hoặc một máng nước nông để rùa ngâm mình, có thể làm bằng xi măng hoặc kính, nhựa để dễ lau chùi, vệ sinh. Rùa sẽ tự vào ngâm nước, uống nước và đi vệ sinh trong khay đó, nên bạn cần phải dọn rửa thường xuyên.
- Nếu bạn nuôi rùa trong nhà, thì một bát nước chuyên dụng cho rùa để tạo độ ẩm sẽ cần thiết hơn. Đối với rùa Sulcata baby thì cần ngâm nước ấm mỗi ngày. Bạn không nên cho rùa ngâm nước trong chuồng vì rùa có thói quen đi vệ sinh khi ngâm nước, sẽ rất khó dọn. Nên bắt rùa ra khỏi chuồng và ngâm trong thau riêng mỗi ngày.
3.3. Những lưu ý khi ngâm nước cho rùa Sulcata
- Nên ngâm rùa vào khoảng thời gian từ 7h30 đến 8h30 sáng, mỗi lần ngâm khoảng 30 phút.
- Đối với rùa Sulcata con cần ngâm nước mỗi ngày.
- Lượng nước phải nông, không cao quá cằm của rùa.
- Ngâm rùa bằng nước ấm.
- Tốt nhất nên ngâm cho đến khi rùa đi vệ sinh để tạo thói quen hằng ngày.
4. Nơi ở và chuồng trại cho rùa Sulcata
Rùa Sulcata có tính cách khá hiếu động và thường leo trèo, đào hang nên khi xây dựng chuồng bạn cần đảm bảo được yếu tố chắc chắn và thông thoáng. Chuồng nên được làm từ gỗ hoặc kính có chiều cao tối thiểu là 60cm, dài khoảng 1m và rộng khoảng 50cm. Với kích thước này là đủ cho 1 cặp rùa Sulcata con.
Trong chuồng nên bố trí một hang ẩn nấp cho rùa ngủ vào ban đêm, một máng nước, tiểu cảnh trang trí và vật liệu lót chuồng (nên sử dụng gỗ thông).
Lưu ý: Rùa Sulcata có thể phát triển tới kích thước khá lớn nên bạn phải có kế hoạch thay đổi nơi ở mới cho chúng trong tương lai.
5. Ánh sáng và nhiệt độ cho rùa Sulcata
5.1. Nhiệt độ cho rùa Sulcata
- Nhiệt độ xung quanh chuồng 28 đến 32 độ C.
- Nhiệt độ điểm sưởi (ngay dưới bóng sưởi ngày) từ 33 đến 38 độ C.
- Nhiệt độ ban đêm từ 15 đến 23 độ C.
Lưu ý: Nên đặt bóng sưởi ở 1 góc chuồng, góc còn lại làm mái che hoặc nơi trú ẩn để rùa có thể di chuyển qua lúc cần thiết.
5.2. Ánh sáng cho rùa Sulcata
Nếu bạn nuôi rùa Sulcata trong nhà thì cần phải trang bị 2 loại đèn sưởi cho rùa là đèn sưởi ngày UVA và đèn sưởi UVB, mục đích để rùa kiểm soát thân nhiệt và tổng hợp vitamin D3, hấp thụ canxi trong thức ăn. Nếu nuôi ngoài trời thì không cần 2 loại đèn này. Bật đèn từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày. Ban đêm tắt hết đèn.
Lưu ý: Nếu không có ánh sáng UVB sẽ khiến rùa gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như vỏ kim tự tháp hoặc dị tật bất thường.
Ngoài việc sử dụng đèn chuyên dụng, bạn cũng có thể áp dụng giải pháp mang rùa ra ngoài phơi nắng vào mỗi buổi sáng. Thời gian phơi nắng như sau:
- Sáng: 6h30 đến trước 9h30.
- Chiều: Sau 15h30 đến 17h.
Phơi từ 20 đến 30 phút mỗi ngày. Nếu đã phơi nắng rồi thì không cần bật đèn UVB nữa.
6. Sức khoẻ và bệnh tật ở rùa Sulcata
Về cơ bản, rùa Sulcata có sức khoẻ và sức chịu đựng khá tốt. Nhưng không vì thế chúng không mắc bệnh. Phần lớn bệnh tật ở rùa Sulcata đến từ chế độ ăn và môi trường sống không thích hợp. Sâu đây là một số bệnh thường gặp ở rùa:
- Viêm đường hô hấp: Giống như nhiều loài bò sát khác, rùa Sulcata dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt khi được nuôi trong chuồng hoặc môi trường sống quá ẩm ướt. Độ ẩm thích hợp cho rùa khoảng 40 – 55%. Không nên dùng lót chuồng có kích thước nhỏ, mịn, nhiều bụi.
- Xương chuyển hoá (MBD): Đây là một căn bệnh nghiêm trọng ở rùa và các loài bò sát cảnh. Khi tỷ lệ phốt pho / canxi bị mất cân bằng, dẫn đến làm mềm và yếu xương. Bệnh này có thể gây biến dạng mai, xương và có thể tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Cần cung cấp đủ ánh sáng hợp lý, canxi và vitamin D3 trong thực đơn của rùa.
- Thối mai: Rất nhiều loài rùa cảnh bị mắc chứng bệnh này. Do vệ sinh chuồng trại kém, dẫn đến vi khuẩn, nấm sinh sôi làm bong tróc, nhiễm trùng mai.
Khi gặp phải những trường hợp trên, bạn cần mang rùa của mình tới bác sĩ thú y để được đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.
7. Hành vi của rùa Sulcata
Những chú rùa Sulcata có tính khí rất hiền lành và dễ thương. Hiếm khi hung dữ và đặc biệt rất yên tĩnh. Thích hợp cho những bạn không thích sự ồn ào và phá phách của chó hoặc mèo.
8. Sinh sản ở rùa Sulcata
Rùa Sulcata trưởng thành tình dục ở khoảng 5 tuổi, khi chúng đạt 11 – 18 kg. Đặc biệt sinh sản rất tốt trong điều kiện nuôi nhốt. Khi sinh sản, một cá thể cái có thể đẻ tới 6 lần mỗi năm, khoảng 15 – 25 trứng một lần.
Mùa sinh sản của rùa Sulcata xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 9 đến tháng 11. Con đực sẽ trở nên hung hăng hơn, chúng sẽ chiến đấu với nhau để giành quyền thống trị và sự chấp nhận của con cái.
9. Lời kết
Rùa Sulcata, hay còn gọi là rùa Châu Phi trong những năm vừa qua đã phát triển rất nhanh và trở thành một trong những loài bò sát cảnh phổ biến nhất trên thế giới. Trong đó có Việt Nam. Để nuôi thành công một chú rùa Sulcata, không phải là việc quá khó khăn, chỉ cần bạn có một chút kiên nhẫn và tâm huyết. Hy vọng với những thông tin mà Mew.vn vừa chia sẻ trên đây, sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong quá trình nuôi rùa Sulcata, cho rùa Sulcata ăn gì? Trị bệnh cho rùa Sulcata. Chúc các bạn thành công!
Bìa này quá kĩ về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng rùa sulcacta luôn, cảm ơn shop Mew rất nhiều!
Mình hay cho ăn mazuri với rau các loại thôi. Rùa phát triển rất tốt, quan trọng bạn nên ngâm rùa hằng ngày là dc.
Nghe nói rùa sul thích ăn lá mã đề lắm. Mà mấy lá này ở thành phố khó kiếm. Ở quê thì đầy.
Mình tính order 1 em về nuôi, nếu dễ ăn rau các kiểu thì tốt quá, đỡ tốn tiền, hehe
Bài này chi tiet quá, Cảm ơn đóng góp của shop cho anh em nuôi rùa.
Cảm ơn shop ^^
Quá hay, cảm ơn shop rất nhiều
Nhờ bài viết này mà bé rùa nhà mình từ nhỏ tới giờ chưa có bệnh gì. Thanks shop!
Trong chế độ nuôi nhốt thì các bạn nên thỉnh thoảng bổ sung cho sulcata mã đề và lá dâu tằm. giúp thải urat rất tốt ạ
Một vài thông tin thêm về rùa Sulcata các bạn có thể tham khảo thêm tại wiki nè: https://vi.wikipedia.org/wiki/Geochelone_sulcata
Nhà mình cũng có nuoi một con, nó toàn ăn cỏ trong vườn nhà mình
Mình cho ăn cỏ ba lá được không shop ơi, với lại bé hay ị trong lúc ngâm nước á, có sao ko ạ?
ở chỗ mình có dương xỉ, mà ko dám cho ăn. chỉ cho ăn cỏ thôi à
Bao giờ thì phân biệt giới tính được vậy shop? Bé nhà mình được 20cm rồi ạ
Tks. Có bài này để học tập nuôi
Cảm ơn bạn đã đọc bài!